Nâng cao sự gắn kết của nhân viên tại nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà Nội
Nâng cao sự gắn kết của nhân viên tại nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà Nội
Bùi Hương Giang
Khoa Du Lịch, Đại học Thăng Long
2.Tính cấp thiết của đề tài
Đối với doanh nghiệp
thì nhân viên giống như điểm tựa của đòn bẩy - họ có thể gây ảnh hưởng lớn đến
doanh thu, khả năng sinh lợi nhuận, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, bất kỳ
loại hình tổ chức nào, muốn đạt được thành công trong hoạt động của mình đều phải
chú trọng đến vai trò quan trọng của yếu tố con người (Coffman và cộng sự,
2002).
Đặc biệt trong quy
trình vận hành nhà hàng, nguồn nhân sự chính là yếu tố quan trọng và quý giá nhất
quyết định đến sự phát triển của một doanh nghiệp. Mỗi nhân viên chính là một mảnh
ghép góp phần tạo nên sự phát triển bền vững và hoàn hảo của bản thân mỗi doanh
nghiệp. Họ chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh của tổ chức, là một phần thiết yếu
của tổ chức, đặc biệt là trong việc xây dựng, lập kế hoạch, tiến độ và cung cấp
dịch vụ chất lượng cho khách hàng (Đỗ Minh Khang, 2021).
Đối với Nhà hàng
Pizza 4P’s, kim chỉ nam cho mọi hoạt động là "Omotenashi", nghĩa là
tinh thần chào đón khách với tất cả tấm lòng, thể hiện lòng hiếu khách của người
Nhật Bản. Omotenashi thể hiện một cách suy nghĩ quan tâm chu đáo đến khách hàng
hơn là chỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách đơn thuần, "mang lại WOW, chia sẻ
hạnh phúc” (Nguyễn Châu Cao, 2019). Vì vậy, Pizza 4P’s nỗ lực xây dựng đội ngũ
nhân viên: Thành thục nghiệp vụ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, tràn trề
nhiệt huyết…
Dù xuất hiện khá muộn
ở Việt Nam so với các thương hiệu lớn như Pizza Hut, Domino’s Pizza, nhưng
Pizza 4P’s nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng trong và ngoài nước không
chỉ nhờ chất lượng đồ ăn mà nổi bật trên hết chính là chất lượng dịch vụ tại
nhà hàng, điều này trở thành thương hiệu của nhà hàng Pizza 4P’s mỗi khi khách
hàng đến dùng bữa, giúp cho Pizza 4P’s có một chỗ đứng nhất định trong các
thương hiệu lớn khác.
Thế nhưng trong năm
2023, nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh xuất hiện tình trạng lực lượng nhân viên
nghỉ việc cao hơn các năm trước. Do số lượng khách quá đông, nhân lực nhà hàng
thiếu số lượng, cũng như là chất lượng phục vụ. Tình trạng này dẫn đến hoạt động
nhà hàng luôn có sự biến động, gây khó khăn đến kinh doanh nhà hàng, chất lượng
phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng (Theo phòng nhân sự). Ngoài việc
các tổ chức phải chịu tổn thất từ việc tuyển người thay thế, bởi vì mỗi nhân
viên khi chuyển đi mang theo các giá trị thuộc về nguồn vốn con người, các kiến
thức, kỹ năng và cả các bí quyết của tổ chức thì sự thay đổi ấy còn ảnh hưởng đến
tâm lý làm việc của những nhân viên ở lại của tổ chức. Họ sẽ cảm thấy bất an, cảm
thấy chán nản khi đồng nghiệp của mình nghỉ việc nhiều và điều ấy sẽ ảnh hưởng
đến hiệu quả công việc (Ellis, 2007).
Trải qua hơn một năm
làm việc tại nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh, nhận thấy đây là vấn đề cấp thiết với
nhà hàng trong việc duy trì sự gắn kết của nhân viên với công việc, qua đó có
thể mang lại cho nhân viên và người quản lý nhân sự trong việc hoàn thiện chính
sách thu hút, duy trì và phát triển nguồn nhân lực. Chính vì vậy, tác giả đã chọn
đề tài “Nâng cao sự gắn kết của nhân viên tại Nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà
Nội” để góp phần làm sáng tỏ hiện trạng và định hướng giải quyết những khó
khăn tại Nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà Nội trong bài khóa luận tốt nghiệp.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Đề tài tìm hiểu thực
trạng sự gắn kết của nhân viên tại Nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh, từ đó chỉ ra
những điểm mạnh cũng như những điểm yếu còn tồn tại trong nhà hàng. Trên cơ sở
đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện sự gắn kết của nhân viên tại
Nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà Nội. Cụ thể:
Thứ nhất, phân tích
thực trạng sự gắn kết của nhân viên tại nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà Nội;
Thứ hai, đề xuất một
số giải pháp nhằm hoàn thiện sự gắn kết của nhân viên tại nhà hàng Pizza 4P’s Bảo
Khánh Hà Nội.
4. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên
cứu của đề tài: Hành vi, sự
gắn kết của nhân viên đã và đang làm việc tại nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà
Nội.
Đối tượng khảo
sát: Nhân viên tại Nhà
hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà Nội.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về mặt không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu sự gắn kết của
nhân viên tại Nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh Hà Nội.
Phạm vi thời
gian: Tháng 10 năm 2023 đến
tháng 01/2024.
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp
nghiên cứu định lượng:
Đây là phương pháp thu thập các thông tin và dữ liệu dưới dạng số học, số liệu
có tính chất thống kê để có được những thông tin cơ bản, tổng quát về đối tượng
nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích thống kê, phân tích; hay nói cách khác là lượng
hoá việc thu thập và phân tích dữ liệu (Trung Nghĩa, 2021). Nghiên cứu định lượng
thực hiện nhằm đánh giá thang đo lường, kiểm định mô hình lý thuyết, biểu diễn
mối quan hệ giữa các thang đo nhân tố và sự hài lòng của nhân viên đối với công
việc (Hải Lân, 2010). Trong đề tài này, tác giả thu thập dữ liệu về các nhân tố
tác động đến sự gắn kết của nhân viên qua bảng hỏi phát triển từ mô hình yếu tố
duy trình của Herzberg. Nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh có tổng số 70 nhân viên với
cả 03 bộ phận (Service, Kitchen, Pizza), để đảm bảo tính công bằng và chính
xác, ai cũng có cơ hội được thực hiện khảo sát nên tác giả quyết định thực hiện
thực hiện trên 70 nhân viên bằng bảng câu hỏi được thiết kế sẵn. Quá trình thu
thập thông tin được thực hiện bằng cách tạo bảng câu hỏi nghiên cứu được thiết
kế sẵn đưa lên Google Form, và nhân viên của 03 bộ phận: Service, Kitchen,
Pizza thực hiện khảo sát bằng quét mã QR trên màn hình điện thoại của tác giả.
Trong tổng số 70 phiếu khảo sát phát ra, tác giả thu về được 64 phiếu trong đó
có 6 phiếu bị loại bỏ do đánh cùng một số. Bảng câu hỏi trước khi phát
ra được tiến hành tham khảo ý kiến chuyên gia, ban quản lý và phòng nhân sự để
kiểm tra cách trình bày, nội dung cũng như hình thức thể hiện. Sau khi hoàn
thành số lượng, dữ liệu sẽ được làm sạch, sửa lại các lỗi và mã hóa sổ liệu bằng
phần mềm Excel. Sau đó, tác giả sử dụng phần mềm SPSS 25.0 để hỗ trợ trong việc
phân tích số liệu và thực trạng của vấn đề nghiên cứu sẽ được trình bày ở
chương 2.
Phương pháp
nghiên cứu định tính:
Nghiên cứu được sử dụng phương pháp định tính để củng cố cho tính thực tế và
chính xác của nghiên cứu (Vân Thùy Trang, 2003) bằng cách phỏng vấn sâu 20/70
người trong bảng hỏi sau khi họ hoàn thành xong khảo sát trên Google Form (10
nhân viên Service, 05 nhân viên Kitchen, 05 nhân viên Pizza), kết quả sẽ được
trình bày ở chương 2.
Phương pháp phân
tích thống kê tần số để lấy
thông tin về mẫu, sử dụng cho các biến định tính trong đề tài: giới tính, độ tuổi,
tình trạng công việc, thời gian làm việc, bộ phận làm việc. Số liệu này dùng để
cung cấp thông tin mức độ (tần số) các chỉ số xuất hiện trong tập mẫu và làm nổi
bật các mỗi quan hệ có thể có giữa các biến. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng thống
kê trung bình để xác định thực trạng của các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn kết của
nhân viên đối với nhà hàng Pizza 4P’s Bảo Khánh.
Trong quá trình thực
hiện nghiên cứu, tác giả đã gặp nhiều vấn đề như nhân viên không hợp tác làm khảo
sát với các lí do: mất nhiều thời gian, không có nhu cầu chia sẻ quan điểm cá
nhân sợ làm ảnh hưởng đến công việc. Tác giả đã giải thích rằng khảo sát này phục
vụ cho mục đích nghiên cứu, 100% sẽ được bảo mật thông tin và đã xin phép của
ban quản lý và phòng nhân sự, sau khi hoàn thành khảo sát, nhân viên sẽ được nhận
một món quà nhỏ (kẹo, bánh…) hay coupon giảm giá đồ uống cho những người đồng ý
làm phỏng vấn chuyên sâu.
6. Kết cấu của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết
luận, phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo thì khóa luận được chia thành các
chương:
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ
LUẬN VỀ SỰ GẮN KẾT CỦA NHÂN VIÊN.
Nêu được các cơ sở
lý luận về sự gắn kết của nhân viên đối với tổ chức, vai trò và các yếu tố tác
động của sự gắn kết nhân viên với tổ chức, từ các yếu tố đó xây dựng mô hình
nghiên cứu cho đề tài.
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG SỰ GẮN KẾT CỦA NHÂN VIÊN TẠI NHÀ HÀNG
PIZZA 4P’S BẢO KHÁNH HÀ NỘI.
Giới thiệu chung về nhà hàng để lập luận về tính đại
diễn của mẫu qua biểu đồ mô tả mẫu khảo sát, từ đó phân tích và giải thích được
thực trạng qua những lý thuyết, nghiên cứu trước đó. Sau khi phân tích, tác giả
sẽ đánh giá chung về điểm mạnh và điểm yếu đang mắc phải của nhà hàng để đề xuất
giải pháp nhằm hoàn thiện sự gắn kết của nhân viên ở chương 3.
CHƯƠNG 3: ĐỀ XUẤT MỘT
SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN SỰ GẮN KẾT CỦA NHÂN VIÊN TẠI NHÀ HÀNG PIZZA 4P’S BẢO
KHÁNH HÀ NỘI.
Trình bày về tầm
nhìn, sứ mệnh, mục tiêu của nhà hàng, các nguồn lực và điều kiện của nhà hàng
đang có để có thể đưa ra được những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề ở chương
2.
Comments
Post a Comment