Nâng cao giá trị cảm nhận của khách Ấn Độ đối với du lịch Việt Nam

 


Nâng cao giá trị cảm nhận của khách Ấn Độ đối với du lịch Việt Nam

Nguyễn Phạm Thuỷ Tiên

Khoa Du Lịch, Đại học Thăng Long

1. Lý do chọn đề tài

Du lịch trong những năm gần đây được xem là một trong những ngành có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Dưới góc độ xã hội, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người, theo Nguyễn Hà Phương (2021).

Theo Phạm Minh An (2019), thu hút khách du lịch chi trả cao, lưu trú dài ngày là mục tiêu Việt Nam hướng đến. Bên cạnh khách đến từ châu Âu, Mỹ... Ấn Độ với hơn một tỷ dân cũng được đánh giá là "mỏ vàng" tiềm năng. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải (2022) chia sẻ đây là một quốc gia rộng lớn, với dân số hơn 1,3 tỷ người, khoảng 25 triệu khách ra nước ngoài một năm và sắp tới tăng lên 35 triệu. Du khách Ấn Độ là thị trường chúng ta bỏ quên lâu nay, vì không hiểu được, không nhận thức đầy đủ về họ.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải (2022), du khách Ấn Độ có nhu cầu du lịch nước ngoài cao hơn công dân bất kỳ quốc gia nào khác và Việt Nam là điểm đến hàng đầu với họ. Khách Ấn Độ chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Họ chủ yếu đến qua các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư. Nhưng khi đã đến Việt Nam, các du khách đều thấy thích thú.

Theo CNBC (2023), khi nhắc đến sự phục hồi du lịch ở châu Á, nhiều người vẫn chỉ nghĩ về sự trở lại của du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, khách Ấn Độ mới là những người tìm kiếm sớm nhất các chuyến đi nước ngoài. Dữ liệu của Agoda (2023) chỉ ra từ tháng 1/2019 tới tháng 5/2023 lượt tìm kiếm tới Việt Nam của khách Ấn Độ còn tăng thêm 390% so với năm 2019. Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights (2022) cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 10/2022 tiếp tục có xu hướng gia tăng: cao hơn khoảng 20% so với tháng 9/2022 và cao gấp 11 lần so với tháng 3/2022. Trong đó, Ấn Độ là 1 trong 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam. Đáng chú ý, lượng tìm kiếm từ thị trường Ấn Độ đang có xu hướng tăng khá nhanh, trong tháng 10/2022 tăng gấp 3 lần so với tháng 7/2022 và gấp 2 lần so với tháng 8/2022. Các điểm đến của Việt Nam được du khách Ấn Độ tìm kiếm nhiều có: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn…

Quả thực, việc lượng khách du lịch Ấn Độ tới Việt Nam tăng cao như vậy vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho ngành du lịch Việt Nam. Để khai thác triệt để nguồn cơ hội tiềm năng này, ta cần nắm rõ được giá trị cảm nhận của du khách Ấn Độ với du lịch nước ta. Từ đó, chúng ta có thể phát huy được những thế mạnh sẵn có và khắc phục những hạn chế để ngành du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy,             em quyết định lựa chọn đề tài “Nâng cao giá trị cảm nhận của khách Ấn Độ đối với du lịch Việt Nam” là đề tài cho khóa luận tốt nghiệp của mình.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1.  Mục đích

Nghiên cứu giá trị cảm nhận của du khách Ấn Độ đối với du lịch Việt Nam,         từ đó phát triển các điểm mạnh và khắc phục những điểm hạn chế.

2.2.  Nhiệm vụ

Nghiên cứu cơ sở lý luận về giá trị cảm nhận của du khách

Phân tích, đánh giá thực trạng giá trị cảm nhận của khách Ấn Độ khi trải nghiệm du lịch Việt Nam.

Đưa ra những giải pháp, đề xuất nhằm nâng cao giá trị cảm nhận của du khách Ấn Độ đối với du lịch Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1.  Đối tượng nghiên cứu

Giá trị cảm nhận của du khách Ấn Độ đối với du lịch Việt Nam

3.2.  Phạm vi nghiên cứu

3.2.1. Về không gian

Các điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam.

3.2.2. Về thời gian

Từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024.

3.2.3. Về nội dung

Nêu cơ sở lý luận về giá trị cảm nhận

Nghiên cứu về giá trị cảm nhận của du khách Ấn Độ khi sử dụng sản phẩm du lịch của Việt Nam.

Đưa ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao giá trị cảm nhận của du khách Ấn Độ với du lịch Việt Nam.

4. Phương pháp nghiên cứu

Chọn mẫu, cỡ mẫu và thu thập số liệu

Chọn mẫu: Nghiên cứu được chọn bằng phương pháp chọn mẫu định mức. Đối tượng nghiên cứu được chia tổng thể theo tiêu chí (là du khách Ấn Độ, độ tuổi từ dưới 30 đến trên 65 tuổi, không phân biệt giới tính, mục đích tới Việt Nam, …). Trong phương pháp chọn mẫu định mức, nghiên cứu cần số lượng mẫu là 300, người nghiên cứu chia sẻ bảng hỏi cho nhiều hơn hoặc bằng 300 du khách Ấn Độ đã hoặc đang du lịch tại Việt Nam, miễn là đủ kích thước mẫu. Việc phát bảng câu hỏi và phỏng vấn được thực hiện trực tiếp và qua link bảng hỏi.

Cỡ mẫu: Theo Hair và cộng sự (1998), để có thể phân tích nhân tố khám phá cần thu thập dữ liệu với kích thước mẫu là ít nhất 5 mẫu trên 1 biến quan sát. Mô hình nghiên cứu có số biến quan sát là 44. Nếu theo tiêu chuẩn 5 mẫu cho một biến quan sát thì kích thước mẫu cần thiết là n = 205 (41 x 5). Để đảm bảo thu đủ mẫu và tăng độ chính xác của mẫu nghiên cứu, kích thước cho mẫu nghiên cứu chính thức này là n = 300. Với số bảng câu hỏi được phát ra là 350, số lượng bảng câu hỏi thu về đầy đủ thông tin là 315.

Phương pháp thu thập số liệu: Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp định lượng thông qua bảng câu hỏi được phỏng vấn trực tiếp. Đối tượng nghiên cứu là các du khách Ấn Độ đã từng hoặc đang du lịch tại Việt Nam. Bảng hỏi được đưa lên Google Form với số lượng 41 câu hỏi liên quan đến 8 biến cần nghiên cứu. Sau đó chia sẻ link Google Form cho 350 du khách Ấn Độ đã và đang du lịch tại Việt Nam (nguồn khách từ các khách sạn, khách sử dụng các sản phẩm du lịch Việt Nam). Sau 2 tuần khảo sát và sàng lọc số liệu, độ tin cậy là 90%, độ lệch chuẩn là 1, và biên độ sai số là 10%. Dự đoán có khoảng 10% câu trả lời không hợp lệ, vì vậy, số lượng mẫu đạt tiêu chuẩn thu về được là 315 mẫu. Dữ liệu sau khi được thu thập sẽ tiến hành mã hóa, nhập số liệu, làm sạch với phần mềm SPSS 25.0.

Phương pháp phân tích số liệu: Để phân tích số liệu đã thu thập được, công cụ được sử dụng là phần mềm SPSS 25.0. Để lấy thông tin về mẫu, người nghiên cứu sử dụng phân tích thống kê tần số. Kết quả từ thống kê tần số giúp chúng ta đánh giá được tổng quát đặc điểm của mẫu nghiên cứu: đáp viên thiên về nữ giới hay nam giới, chủ yếu là người già hay trẻ, mục đích tới Việt Nam là gì, … Thống kê tần số trả về kết quả là bảng tần số cho biết số lượng, tỷ lệ cơ cấu phần trăm của giá trị.

Bên cạnh đó, để xác định thực trạng của đối tượng nghiên cứu, người nghiên cứu sử dụng thống kê trung bình. Nó được sử dụng với các biến định lượng, dùng để thống kê các chỉ số phân tích như giá trị trung bình (mean), giá trị lớn nhất, nhỏ nhất (max, min), độ lệch chuẩn (standard deviation), ... Thống kê trung bình chỉ dừng lại là mô tả khái quát mức đánh giá của đối tượng khảo sát ở mức điểm bao nhiêu trên thang đo được sử dụng, mức điểm nhỏ nhất, lớn nhất và độ lệch chuẩn của mỗi biến quan sát là bao nhiêu.

Sau khi đã thu thập được 315 mẫu dữ liệu, người viết dùng phương pháp thống kê nhằm tổng hợp các thông tin đã điều tra chuẩn bị cho quá trình phân tích. Tất cả các thông tin cùng loại được tổng kết với nhau. Các kết quả sau khi thống kê được tổng hợp phân tích, hệ thống hóa thành những thông tin hữu ích trong nghiên cứu vấn đề, dưới dạng tệp Excel. Các dữ liệu này sau đó được chạy trên phần mềm SPSS 25.0 để hỗ trợ trong việc phân tích số liệu và giải quyết các mục tiêu nghiên cứu, giúp đi đến kết quả thu được kết quả phân tích cuối cùng, gồm thống kê tần số để lấy thông tin về mẫu và thống kê trung bình để xác định thực trạng của đối tượng nghiên cứu.

5. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Theo Đỗ Văn Tính (2016) giá trị cảm nhận bắt đầu được chú trọng nghiên cứu từ cuối thế kỷ 20 và được biết đến như một yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của doanh nghiệp vì nó là một trong hai khía cạnh tạo nên giá trị thương hiệu và nó thể hiện sự đánh giá của khách hàng về sản phẩm (dịch vụ).

Giá trị cảm nhận thay đổi theo bối cảnh thực tế được quan sát trong các công trình của các nhà nghiên cứu, nhưng hầu như các cách tiếp cận đều cho hướng đến chung một ý nghĩa: Zeithaml (1988) nhận định “Giá trị cảm nhận là đánh giá tổng thể của người tiêu dùng cho các sản phẩm, dựa trên nhận thức được đưa ra trong trao đổi thứ nhận được”. Vì vậy, giá trị cảm nhận mô tả sự cân bằng giữa các thành phần nổi bật nhất của thứ nhận được trong trao đổi.

Butz và Goldstein (1990) định nghĩa “Giá trị cảm nhận là mối quan hệ cảm xúc được thiết lập giữa khách hàng và nhà cung cấp sau khi khách hàng đã sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ của nhà cung cấp và thấy rằng sản phẩm hoặc dịch vụ đó tạo ra giá trị gia tăng”. Anderson cùng cộng sự (1993) xem giá trị cảm nhận của khách hàng là giá trị được cảm nhận tính theo đơn vị tiền tệ của lợi ích về mặt kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ và xã hội mà khách hàng có thể nhận được so với giá mà họ trả cho một sản phẩm, đặt trong việc xem xét giá cả và cho hàng của các nhà cung cấp sẵn có.

Kotler (1994) cho rằng “Giá trị cảm nhận của khách hàng là khoản chênh lệch giữa những giá trị mà họ nhận được từ việc sở hữu và sử dụng sản phẩm với chi phí bỏ ra để có được sản phẩm”. Khách hàng không xét đoán những giá trị sản phẩm và chi phí bỏ ra này một cách hoàn toàn về mặt định lượng, họ xét đoán theo “cảm nhận”.

Gale (1994) nhận xét “Giá trị cảm nhận là chất lượng cảm nhận được điều chỉnh cân xứng với giá cả của sản phẩm”. Woodruff (1997) định nghĩa “Giá trị cảm nhận như là một sự yêu thích, đánh giá của khách hàng về các đặc tính của sản phẩm. Sự thể hiện của đặc tính, những kết quả từ việc sử dụng để đạt một cách dễ dàng ý định và mục tiêu của khách hàng trong các trường hợp sử dụng”.

Moller (2006) cho rằng giá trị khách hàng là sự đánh đổi giữa lợi ích và chi phí. Nó là phần chênh lệch giữa lợi ích và chi phí được khách hàng cảm nhận khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Kotler và Keller (2006) có quan điểm đồng nhất 2 khái niệm giá trị và giá trị cảm nhận, đó là phần chênh lệch giữa tổng lợi ích của khách hàng và tổng chi phí hay các chi phí của khách hàng.

Christopher (1996) cho rằng giá trị cảm nhận của khách hàng được tạo ra khi lợi ích mà khách hàng nhận được trong giao dịch vượt qua chi phí. Tai (2011) nhận định giá trị cảm nhận của khách hàng được xem là cảm nhận của khách hàng về các biểu hiện hoặc sự hữu dụng của sản phẩm hay dịch vụ của nhà cung cấp.     

Sanchez và cộng sự (2006) cho rằng giá trị cảm nhận của khách hàng luôn thay đổi theo thời gian do sự thay đổi trong bản thân của khách hàng và các yếu tố khác của môi trường kinh doanh. Khi nghiên cứu về sự thay đổi này, Setijono cùng với Dahlgaard (2008) đưa ra mô hình và sử dụng cụm từ “giá trị khách hàng cảm nhận” để mô tả sự thay đổi giá trị cảm nhận của khách hàng theo thời gian.

Theo trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về giá trị cảm nhận của khách hàng nhưng ở Việt Nam thì chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về vấn đề này. Do đó, các giải pháp nâng cao giá trị cảm nhận của khách chưa được phát triển tối đa (Nguyễn Hữu Khôi, 2021). Ở Việt Nam, cũng có một số nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm về giá trị cảm nhận. Theo Nguyễn Thị Hồng Thắm (2009), giá trị cảm nhận của khách hàng là sự cảm nhận và đánh giá tổng quát của khách hàng về danh tiếng, chất lượng, giá cả tiền tệ, giá cả hành vi và phản ứng cảm xúc của khách hàng đối với dịch vụ. Ngoài ra, Phạm Xuân Lan và Huỳnh Minh Tâm (2013) cho rằng giá trị cảm nhận của khách hàng dựa trên 5 nhân tố tác động đó là: chủng loại hàng hóa, khả năng phục vụ, trưng bày trong siêu thị, giá cả cảm nhận và an toàn trong siêu thị với tổng số 20 biến thành phần.

6. Kết cấu nội dung của khóa luận

  • Mở đầu
  • Chương 1. Cơ sở lí luận về giá trị cảm nhận
  • Chương 2. Giá trị cảm nhận của du khách với du lịch
  • Chương 3. Một số giải pháp nâng cao giá trị cảm nhận của du khách Ấn Độ với du lịch Việt Nam

Comments

Popular posts from this blog

Đánh giá trải nghiệm du lịch đáng nhớ của khách tham quan vịnh Hạ Long

Nâng cao chất lượng dịch vụ tại nhà hàng La Table Hanoia (Press Club)

Nâng cao chất lượng dịch vụ bộ phận tiền sảnh khách sạn Wyndham Garden Hanoi